GIẢ MẠO HỒ SƠ ĐỂ THAM GIA DỰ THẦU XỬ LÝ NHƯ THẾ NÀO?

Hoạt động đấu thầu có vai trò rất quan trọng, đặc biệt là trong lĩnh vực công. Đầu thầu cũng mang lại nhiều lợi ích to lớn đối với chủ đầu tư cũng như nhà thầu. Chính vì nó mang lại nhiều lợi ích như vậy nên hiện nay, trong hoạt động đấu thầu đã xảy ra không ít những vụ việc làm giả mạo giấy tờ, hồ sơ để tham gia dự thầu.

Thời gian qua, tình trạng giả mạo hồ sơ dự thầu diễn ra phức tạp, nhiều địa phương đã phát hiện nhiều trường hợp giả mạo, nguy cơ gây hậu quả nghiêm trọng trong hoạt động đấu thầu.

Các đối tượng đã làm giả mạo các giấy tờ hồ sơ khi tham gia dự thầu bằng nhiều thủ đoạn khác nhau như: Chỉnh sửa làm sai lệch thông tin các giấy tờ tài liệu, hồ sơ; Giả mạo chữ ký; Thuê các đối tượng khác in ấn, làm bằng cấp, chứng chỉ giả, con dấu giả. Sau đó bổ sung vào hồ sơ dự thầu để đáp ứng đủ điều kiện theo Hồ sơ mời thầu của chủ đầu tư đưa ra. Những hành vi này được xem là gian lận trong hoạt động đấu thầu theo quy định tại Khoản 4 Điều 16, Luật đấu thầu 2023.

Việc sử dụng giấy tờ, hồ sơ, tài liệu giả, cung cấp thông tin không chính xác để tham gia đấu thầu sẽ dẫn đến hậu quả rất nghiêm trọng trong hoạt động đấu thầu. Bởi khi các nhà thầu không đáp ứng yêu cầu của Hồ sơ mời thầu, không đủ năng lực, kinh nghiệm thực tế sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến chất lượng công trình; ảnh hưởng đến tính khách quan trong hoạt động đấu thầu, ảnh hưởng đến quyền lợi của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Đối với các hành vi này, hiện nay pháp luật cũng đã có những quy định để xử lý nghiêm, có tính răn đe. Tổ chức, cá nhân có hành vi gian lận trong đấu thầu tuỳ theo tính chất, mức độ hành vi mà xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính, hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Ngoài ra, các tổ chức, cá nhân còn bị cấm tham gia hoạt động đấu thầu.

Tham gia phóng sự và trả lời phỏng vấn của Đài truyền hình Việt Nam (VTV) về nội dung này, luật sư Nguyễn Hữu Giang – Giám đốc Công ty Luật TNHH Nguyễn Giang Vina – Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Thanh Hóa cho biết:“Tổ chức, cá nhân có hành vi gian lận trong đấu thầu xử phạt vi phạm hành chính, hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức hình phạt cao nhất lên đến 20 năm tù giam hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản”

– Theo Điều 125 Nghị định 24/2024/NĐ-CP quy định về xử lý vi phạm trong hoạt động đấu thầu. Tuỳ theo mức độ vi phạm mà áp dụng hình thức cấm tham gia hoạt động đấu thầu đối với tổ chức, cá nhân. Thời gian bị cấm tham gia hoạt động đấu thầu có thể lên đến 05 năm.

– Ngoài ra, Tổ chức, cá nhân có hành vi gian lận trong đấu thầu còn bị xử phạt hành chính Theo Điều 37 Nghị định 122/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư: Vi phạm điều cấm trong đấu thầu có thể bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng

– Đặc biệt, hành vi gian lận trong đấu thầu còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 222 Bộ Luật Hình Sự 2015 với mức hình phạt cao nhất lên đến 20 năm tù giam. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Với các hình thức xử lý này mang tính răn đe, nghiêm minh, nhằm giảm thiểu, xóa bỏ tình trạng gian lận trong hồ sơ của các nhà thầu khi tham gia đấu thầu, góp phần làm lành mạnh hơn môi trường đầu tư của nước ta.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *