- Thời hiệu yêu cầu chia di sản thừa kế
Thời hiệu thừa kế được quy định tại Điều 623 Bộ luật dân sự 2015 như sau:
“1. Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó.”
Đối với các di sản mà thời điểm mở thừa kế trước khi Bộ luật dân sự 2015 có hiệu lực thì theo điểm d khoản 1 Điều 688 BLDS 2015: “Thời hiệu được áp dụng theo quy định của Bộ luật này”.
Như vậy, nếu một trong những người thừa kế có yêu cầu chia di sản thừa kế thì sẽ áp dụng thời hiệu thừa kế theo quy định tại khoản 1 Điều 623 Bộ luật dân sự 2015, kể cả trường hợp thời điểm mở thừa kế trước khi Bộ luật dân sự 2015 có hiệu lực.
- Thời điểm bắt đầu tính thời hiệu thừa kế
Theo quy định tại Điều 623 BLDS 2015, thời điểm bắt đầu tính thời hiệu thừa kế là kể từ thời điểm mở thừa kế, tức là ngày người để lại di sản thừa kế chết.
Tuy nhiên, đối với trường hợp thừa kế mở trước ngày 10-9-1990 thì căn cứ Mục 10 Nghị quyết 02/HĐTP ngày 19/10/1990; Giải đáp số 01/GĐ-TANDTC ngày 05/01/2018 của Tòa án nhân dân tối cao đã quy định:
“Đối với trường hợp thừa kế mở trước ngày 10-9-1990 thì thời hiệu khởi kiện chia di sản thừa kế là bất động sản được thực hiện theo quy định tại Điều 36 của Pháp lệnh Thừa kế năm 1990 và hướng dẫn tại Nghị quyết số 02/HĐTP ngày 19-10-1990 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Pháp lệnh Thừa kế, cụ thể là: thời hiệu khởi kiện được tính từ ngày 10-9-1990.”
Như vậy, đối với những trường hợp thừa kế mở trước 10/9/1990 thì thời hiệu khởi kiện chia di sản thừa kế tính từ ngày 10/9/1990 (ngày Pháp lệnh thừa kế có hiệu lực), và thời hiệu thừa kế đối với bất động sản sẽ là 30 năm kể từ ngày 10/9/1990. Quy định này tạo điều kiện thuận lợi cho việc yêu cầu chia thừa kế của người dân bởi thời gian yêu cầu khởi kiện đã được kéo dài hơn thực tế.
- Các quy định cho phép “kéo dài” thời gian khởi kiện thừa kế
Theo quy định pháp luật, thời hiệu khởi kiện đối với bất động sản là 30 năm kể từ thời điểm mở thừa kế. Tuy nhiên, pháp luật cũng đã có nhiều quy định về việc cho phép “kéo dài” thời gian yêu cầu khởi kiện thừa kế. Một số quy định cho phép “kéo dài” thời gian khởi kiện thừa kế bao gồm:
– Thứ nhất, Điều 156 BLDS 2015 đã có quy định về “Thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự”. Theo đó, thời gian không được tính vào thời hiệu khởi kiện là khoảng thời gian xảy ra một trong các sự kiện sau đây: Sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan; Chưa có người đại diện hoặc chưa có người đại diện khác thay thế trong trường hợp người có quyền khởi kiện, người có quyền yêu cầu là người chưa thành niên, mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.
Khi đó khoảng thời gian xảy ra sự kiện nêu trên sẽ không được tính vào thời hiệu khởi kiện. Tuy nhiên, trên thực tế việc chứng minh sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan là rất khó, đặc biệt là đối với vụ án thừa kế. Vì vậy, điều luật này cũng khó áp dụng và cũng ít xảy ra.
– Thứ hai, Điều 157 BLDS 2015 đã có quy định:
“1. Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự bắt đầu lại trong trường hợp sau đây:
a) Bên có nghĩa vụ đã thừa nhận một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ của mình đối với người khởi kiện;
b) Bên có nghĩa vụ thừa nhận hoặc thực hiện xong một phần nghĩa vụ của mình đối với người khởi kiện;
c) Các bên đã tự hoà giải với nhau.”
Theo đó, thời hiệu khởi kiện sẽ được bắt đầu tính lại kể từ ngày tiếp theo sau ngày xảy ra sự kiện nêu trên. Trên thực tế việc áp dụng điều luật này đối với các tranh chấp về thừa kế cũng khá ít và rất khó để áp dụng.
– Thứ ba, việc “kéo dài” thời hiệu khởi kiện còn được quy định tại các văn bản pháp luật: Nghị quyết số 58/1998/NQ-UBTVQH của UBTVQH, ngày 20/8/1998; Nghị quyết 1037/2006/NQ-UBTVQH11 của UBTVQH, ngày 1/9/2006; Giải đáp số 01/GĐ-TANDTC ngày 05/01/2018 của Tòa án nhâ dân tối cao.
Theo đó, nếu thời điểm mở thừa kế trước ngày 1/7/1991và di sản là nhà ở ta cần phải lưu ý phân biệt hai trường hợp như sau:
- Trường hợp một, nếu giao dịch này không có người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Theo khoản 2 Điều 17 của Nghị quyết số 58/1998/NQ-UBTVQH của UBTVQH ngày 20/8/1998 quy định đối với các tranh chấp phát sinh từ giao dịch dân sự về nhà ở xác lập trước 01/07/1991 thì: “Thời gian từ ngày 01/7/1996 đến ngày Nghị quyết này có hiệu lực (ngày 01/01/1999) không tính vào thời hiệu trong thủ tục giải quyết các vụ án dân sự, đối với giao dịch dân dân sự về nhà ở được xác lập trước ngày 01/7/1991”. Trong vụ án thừa kế mà thuộc trường hợp của Nghị quyết này thì thời gian yêu cầu khởi kiện phải cộng thêm 2 năm 6 tháng, bởi khoảng thời gian này sẽ không được tính vào thời hiệu khởi kiện.
Nghị quyết này không áp dụng cho giao dịch xác lập trước ngày 01/7/1991 mà có người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia được qui định tại khoản 2 Điều 3 Nghị quyết số 58/1998/NQ-UBTVQH của UBTVQH, ngày 20/8/1998.
- Trường hợp hai, nếu có người Việt Nam định cư ở nước ngoài, áp dụng theo Điều 39 Nghị quyết 1037/2006/NQ-UBTVQH11 của UBTVQH, ngày 01/9/2006, đối với các giao dịch dân sự (có cả thừa kế) về nhà ở được xác lập trước ngày 01/07/1991 có người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia thì: “Thời gian từ ngày 01/7/1996 đến ngày Nghị quyết này có hiệu lực (ngày 01/9/2006) không tính vào thời hiệu trong thủ tục giải quyết các vụ án dân sự đối với giao dịch dân sự về nhà ở xác lập trước ngày 01/07/1991 có người Việt Nam định cư nước ngoài tham gia”. Trong vụ án thừa kế mà thuộc trường hợp của Nghị quyết 1037/2006/NQ-UBTVQH11 của UBTVQH ngày 1/9/2006 thì thời gian yêu cầu khởi kiện phải cộng thêm 10 năm 2 tháng.
Như vậy, áp dụng các quy định pháp luật nêu trên, một số trường hợp thừa kế bất động sản đã quá 30 năm kể từ ngày mở thừa kế thì vẫn có thể còn thời hiệu vì thời gian để yêu cầu khởi kiện chia di sản thừa kế sẽ được “kéo dài”, tạo điều kiện thuận lợi để người dân đảm bảo quyền lợi ích của mình.