Theo khoản 6 Điều 3 Luật hôn nhân gia đình năm 2014 quy định: Kết hôn trái pháp luật là việc nam, nữ đã đăng ký kết hôn tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhưng một bên hoặc cả hai bên vi phạm điều kiện kết hôn theo quy định của pháp luật Hôn nhân và gia đình.
Điều kiện để kết hôn theo Điều 8 Luật Hôn nhân gia đình năm 2014:
+ Nam đủ 20 tuổi, nữ đủ 18 tuổi trở lên
+ Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định
+ Không bị mất năng lực hành vi dân sự
+ Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 của Luật này
Như vậy ngươi có yêu cầu huỷ kết hôn trái pháp luật thì trong các trường hợp sau: Theo điều 10 Luật hôn nhân và gia đình:
+ Người bị cưỡng ép kết hôn, bị lừa dối kết hôn, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền tự mình yêu cầu hoặc đề nghị cá nhân, tổ chức quy định tại khoản 2 Điều này yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật do việc kết hôn vi phạm quy định tại điểm b khoản 1 Điều 8 của Luật này.
+ Cá nhân, cơ quan, tổ chức sau đây, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật do việc kết hôn vi phạm quy định tại các điểm a, c và d khoản 1 Điều 8 của Luật này:
+Vợ, chồng của người đang có vợ, có chồng mà kết hôn với người khác; cha, mẹ, con, người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật khác của người kết hôn trái pháp luật;
+ Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;
+ Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;
+ Hội liên hiệp phụ nữ.
+ Cá nhân, cơ quan, tổ chức khác khi phát hiện việc kết hôn trái pháp luật thì có quyền đề nghị cơ quan, tổ chức quy định tại các điểm b, c và d khoản 2 Điều này yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật
Thủ tục huỷ kết hôn trái pháp luật:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
Người yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật cần nộp một bộ hồ sơ đầy đủ bao gồm các giấy tờ sau:
– Đơn yêu cầu;
– Giấy chứng nhận kết hôn đối với cá nhân quy định tại khoản 1 Điều 10 luật Hôn nhân và gia đình năm 2014;
– Tài liệu, chứng cứ chứng minh việc kết hôn đó vi phạm điều kiện kết hôn nêu trên;
– Một số giấy tờ liên quan khác theo quy định của pháp luật.
Bước 2: Nộp hồ sơ tới Tòa án có thẩm quyền
Để không mất thời gian đi lại, bạn cần tìm hiểu trước lịch tiếp nhận hồ sơ của Tòa án. Bởi đa số các Tòa án đều sắp xếp lịch tiếp nhận đơn vào một số buổi trong tuần.
Sau đó, bạn tới nộp hồ sơ tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ của Tòa án (theo đúng lịch).
Bàn giao hồ sơ xong, bạn cần nhận được Giấy xác nhận đã nhận đơn của Tòa án.
Bạn ra về và chờ thông báo nộp tạm ứng án phí, lệ phí của Tòa án.
Bước 3: Nộp tạm ứng án phí, lệ phí theo thông báo của Tòa án
Nếu hồ sơ đã đầy đủ các giấy tờ hợp lệ, Tòa án sẽ Thông báo cho bạn nộp tạm ứng án phí, lệ phí tại Chi cục thi hành án. Sau đó, bạn đem biên lai nộp lại cho Tòa để vụ việc được thụ lý.
Bước 4: Tham gia các buổi làm việc
Sau đó, bạn sẽ nhận được Thông báo thụ lý vụ việc và tham gia các buổi làm việc theo lịch triệu tập của Tòa án.